Chương 2 - Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên. (Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn)
Đào Hầu biết có nghe thêm nữa cũng vô ích. Ông lẩn ra phía sau doanh trại, vọt qua hàng rào, dùng khinh công chạy thẳng về Đào Trang. Vừa vào tới trang, ông cho gọi các con và đệ tử đến sảnh đường. Đào phu nhân họ Đinh, xuất thân là người đồng môn với Đào Hầu. Võ công của bà không thua gì chồng. Bà kết hôn với Đào Hầu đã 24 năm, vợ chồng tâm hợp ý đồng, lấy việc dạy học trò, quy tụ dân chúng, mở mang ruộng vườn làm mục đích cho cuộc sống. Trong thời gian dài chung sống, bà biết rằng dù gặp chông gai bão táp đến đâu, ông cũng bình tĩnh giải quyết. Nay thấy ông trầm tư, rồi tập họp con cái, học trò khẩn cấp, bà biết đại biến cố đã đến.

Sáng hôm nay, Đào Hầu nói vơí bà rằng ông dẫn đứa con út là Đào Kỳ dạo chơi bãi biển, xem dân chúng đánh cá. Thế rồi buổi trưa không thấy chồng con về ăn cơm, linh tính báo cho bà biết có sự không may sẽ xảy ra. Chiều mới thấy Đào Kỳ trở về nói với bà rằng Đào Hầu và nó bị bắt. Đào Hầu ở lại dọ thám. Nghe con thuật, Đào phu nhân tỏ vẻ bực tức, vì thời bấy giờ tuy bị người Hán cai trị, nhưng chồng bà là một Lạc Hầu, chỉ Thái Thú mới có quyền bắt giữ. Thế mà nay một võ quan cấp Lữ, bắt giam ông. Bây giờ thấy chồng trở về, mặt đầy vẻ nghiêm trọng, bà không kiên nhẫn được nữa, hỏi:

– Có tai vạ lớn rồi ư?

Đào Hầu gật đầu:

– Hơn thế nữa!

Ông gọi đại đệ tử là Trần Dương Đức bảo:

– Con xuống tầu, chuẩn bị hai con ngựa, mang theo kiếm chờ sư phụ ở sân để cùng đi Đinh trang.

Ông bảo con cả là Nghi Sơn:

– Con điều khiển tráng đinh, đệ tử phòng vệ, tuần tiễu trong trang thực nghiêm mật. Chỉ cho người vào mà không cho người ra. Ai không tuân, giết tại chỗ, kể cả đệ tử trong nhà.

Ông bảo con thứ là Biện Sơn:

– Con đánh trống tập họp đệ tự ở đại sảnh đường, xong vào báo cho bố biết.

Ông tường thuật sơ lược mọi chuyện cho phu nhân nghe rồi kết luận:

– Ta quyết định bỏ đất này chạy ra Giao Chỉ. Cách đây năm năm, dự đoán tình thế khó yên, ta đã cho em là Đào Thế Hùng mang gia đình ra Cổ Loa lập nghiệp trước, nay chúng ta ra đó thì đã có cơ sở rồi. Vậy phu nhân cho tỳ nữ chuẩn bị những thứ gì tối cần thiết hãy mang theo. Chúng ta phải đi ngay đêm nay mới kịp.

Biện Sơn vào thưa:

– Thưa bố, các đệ tử đã tề tựu đông đủ.

Đào Hầu theo con vào đại sảnh đường. Các đệ tử chắp tay hành lễ. Ông ra hiệu miễn lễ rồi nói:

– Tổ tiên ta xây dựng cơ nghiệp này đã được bảy đời, cộng 184 năm. Ngày nay Đào trang gặp tai biến. Thái thú Nhâm Diên tập trung 15 nghìn quân để đánh hai trang Đào, Đinh vào ngày mai. Đệ tử Cửu Chân chúng ta không hèn, nhưng Đào trang chúng ta chưa tới 600 người mà phải địch với 7.500 người có tổ chức thì chỉ là một cuộc tự tử vô ích. Bởi vậy ta quyết định đi lánh nạn. Ta gọi các con lên đây, để cho các con được lựa chọn: Ở lại hay theo ta, tuỳ các con.

Tam đệ tử là Hoàng Thiều Hoa nói:

– Chúng con nguyện theo sư phụ tới cùng. Nhưng...

Đào Thế Kiệt vốn sủng ái cô nữ đệ tử này, ông hỏi:

– Con muốn nói nhưng gì?

Hoàng Thiều Hoa tỏ ý chí cương quyết:

– Mình không phạm pháp, sư phụ lại là một Lạc Hầu, tự nhiên Thái Thú Nhâm Diên đem quân đánh phá trang ấp mình, không lẽ mình chịu nhục như vậy sao?

Các đệ tử cùng nhao nhao lên:

– Chúng con cương quyết không chịu nhục.

Đào Hầu hỏi các đệ tử:

– Ý các con muốn thế nào?

Hoàng Thiều Hoa cương quyết:

– Con nghĩ, trước khi rút lui khỏi đất này, chúng ta phải đánh cho Nhâm Diên một trận kinh thiên động địa để chúng ghê mặt anh hùng Lĩnh Nam.

Đào phu nhân nuôi Thiều Hoa từ nhỏ, bà không có con gái, nên rất cưng chiều cô nữ đệ tử này. Bây giờ trước cảnh trang ấp sắp gặp nguy nan, nàng tỏ chí khí hùng tráng, bà thấy đẹp lòng, tát yêu nàng:

– Được, chúng ta phải làm như thế.

Bà nói vơí hầu:

– Tôi thấy Thiều Hoa có lý. Ta đánh một trận, rồi hãy bỏ đi.

Đào Hầu gật đầu ra lệnh:

– Các đệ tử hãy dồn tất cả đàn bà, trẻ con, người già không biết võ đến đây ngay. Nội một giờ phải xong.

Ông ra lệnh cho tam đệ tử Hoàng Thiều Hoa:

– Con theo sư mẫu, bảo vệ đoàn xe cho đàn bà, trẻ con xuống bến chài, chạy ra đảo Nghi Sơn, chờ sư phụ ở đó.

Ông ra lệnh cho con trưởng:

– Con dẫn 100 tráng đinh ra phục trên đường dẫn tới bờ biển. Chờ cho xe cho đàn bà, trẻ con xuống thuyền, ra khơi rồi, con cùng Thiều Hoa bảo vệ đoàn thuyền đến đảo Nghi Sơn ngay.

Ông không thấy nhị đệ tử Trịnh Quang đâu, hỏi:

– Nhị sư huynh đâu?

Đào Kỳ đáp:

– Nhị sư huynh về đón gia đình rồi.

Ông ra lệnh cho con thứ là Biện Sơn:

– Con dẫn 50 sư huynh đệ thuộc ngoại đồ, cùng 200 tráng đinh, chia làm hai đội, men theo bờ biển đến cảng Bắc, phục đấy. Đợi khi thấy lửa cháy ở phủ Thái Thú thì đánh cướp chiến thuyền. Tại cảng Bắc có năm chiến thuyền, con cho ba chiếc chạy ra đảo Nghi Sơn đón người của Đào, Đinh trang ở đó. Vì tất cả đã đến bằng thuyền đánh cá. Thuyền đánh cá nhỏ quá, không thể ra xa. Muốn vượt biển, phải dùng chiến thuyền. Con giữ hai chiếc cho ta với anh Nghi Sơn. Nếu giặc đến tiếp cứu đông quá, chống không nổi, thì con cứ ra khơi trước. Chúng ta sẽ tìm đường khác rút lui.

Biện Sơn hỏi:

– Trường hợp phải đi trước, thì hẹn nhau tại đâu?

Đào Hầu ghé tai con dặn nhỏ mấy câu, rồi vẫy tay, ra hiệu coi như hết.

Đào Kỳ không thấy bố sai phái, nó hỏi:

– Con sẽ phải làm gì?

Đào Hầu nói:

– Con còn nhỏ tuổi, nhưng võ công cũng như kiến thức không tầm thường, con đi với tam sư tỷ, nhưng mọi sự phải nghe tam sư tỷ.

Ông đứng lên nói lớn:

– Thi hành lệnh ngay.

Ông ra sân, cùng đại đệ tử Trần Dương Đức lên ngựa, ra roi lao vào đêm tối, mịt mờ. Hai người vốn quen đường, nên dù đêm tối cũng không sợ lạc. Đào trang, Đinh trang không xa cho lắm, nên chỉ lát sau hai thầy trò đã tới nơi. Tráng đinh mở cổng, đánh ba tiếng trống báo có khách. Trang chủ Đinh Đại ra đón khách, thấy anh rể thì mừng lắm, kêu lên:

– Tỷ phu, anh tới có việc gì khẩn mà đi đêm như vậy?

Đào Hầu ngoắc tay ngụ ý bảo im lặng, rồi tiến vào sảnh đường. Ông ngồi xuống ghế tường thuật tỉ mỉ những điều đã nghe thấy ở trong dinh kỵ binh Giao Chỉ cho Đinh Đại nghe.

Đinh Đại trầm ngâm một lúc rồi hỏi:

– Anh nghĩ coi, có cách nào khác không? Hàng cũng chết, mà chạy thì chạy đi đâu bây giờ?

Đào Hầu nói:

– Hiện giữa Thái Thú Giao Chỉ là Tích Quang và Thái Thú Cửu Chân là Nhâm Diên đang có hiềm khích, chúng ta chạy ra ngoài Giao Chỉ ẩn thân vậy, chứ người hai trang của chúng ta không thể nào địch lại với mười lăm nghìn quân Hán. Ta đã biết kế hoạch của Thái Thú, thì tương kế tựu kế, có sợ gì? Hiện lực lượng trong trang của đệ có bao nhiêu người?

Đinh Đại nói:

– Vợ em không biết võ. Em chỉ có một đại đệ tử là Quách Lãng, bản lãnh cũng vào loại khá, có thể dùng được. Hai đứa con gái là Bạch Nương, Tĩnh Nương, đứa lớn 20 tuổi, đứa nhỏ 18 tuổi, văn võ kiêm toàn. Đệ tử ngoại đồ 97 người, tráng đinh 400, đàn bà biết võ 150.

Đào Thế Kiệt suy nghĩ một lúc rồi quyết định:

– Giặc vốn chỉ muốn hại hai chúng ta, rồi đưa người khác lên làm Lạc Hầu. Vậy chúng ta mang hết người đi, thì dù chúng có chiếm được Đào, Đinh trang, thì chỉ chiếm được hai trang trại hoang vu.

Đinh Đại vừa là em vợ, vừa là sư đệ của Đào Thế Kiệt, ông phục tùng Đào Hầu đã quen. Ông nói:

– Tất cả đều do anh quyết định.

– Được, em tập trung đệ tử lại đi.

Đinh Đại ra lệnh đánh trống tập họp đệ tử vào đại sảnh. Ông cùng Đào Hầu bước vào. Các đệ tử đứng dậy chắp tay hành lễ:

– Đệ tử tham kiến sư bá và sư phụ.

Đinh Hầu ra lệnh cho miễn lễ, rồi nói:

– Lần đầu tiên sư phụ họp các con khẩn cấp như thế này bởi Đinh trang sắp có tai vạ lớn. Ta nghĩ: Thầy trò thì sống chết có nhau, nên dù biến cố nào chăng nữa, ta cũng mang các con đi theo. Ta nói cho các con biết, Thái Thú Nhâm Diên tập trung 15 nghìn quân để tiêu diệt Đào, Đinh trang trong ngày mai. Nếu chúng ta chống lại chúng thì chết hết vô ích. Vì vậy ta quyết định bỏ chạy. Vậy những ai muốn theo ta, những ai muốn ở lại?

Tất cả các đệ tử đồng hô lớn:

– Chúng con xin theo sư phụ.

Đào Hầu nói:

– Chúng ta phải giữ cơ mật mới được. Những ai chưa có vợ con thì ở lại đây. Còn ai có vợ con rồi, thì trở về đón vợ con đến đây ngay, nội một giờ phải xong. Chỉ cần mang theo vũ khí, áo quần là đủ. Đồ tế nhuyễn, nhất thiết không cần mang theo.

Ông quay lại ra lệnh cho Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương:

– Hai cháu cho chuẩn bị xe ngựa sẵn, đợi các đệ tử tập trung đàn bà, trẻ con, thì cho lên xe ra biển. Tất cả xuống thuyền, chạy ra đảo Nghi Sơn. Ở đó lên chiến thuyền, rồi đi tỵ nạn.

Ông dặn Quách Lãng:

– Cháu chỉ huy tráng đinh đi vòng quanh trang tuần tiễu, gặp người lạ mặt, bắt vào giao cho sư phụ cháu.

Ông dặn với Đinh Đại:

– Bây giờ giặc còn đang ngủ, nếu được tin báo chúng ta tháo chạy, muốn tập hợp quân lính cũng không kịp. Tuy vậy sư đệ dẫn một số tráng đinh phục trên đường ra biển, để phòng địch đánh bất ngờ.

Đào Hầu truyền lệnh xong, cùng đại đệ tử lên ngựa phi trở về Đào trang. Hai người vừa đi được một quãng thì gặp bốn kỵ mã, lưng đeo vũ khí đứng chặn mất lối đi. Ông nhìn kỹ thấy có hai người mặc theo lối quân Hán, còn hai người mặc theo lối người Việt. Biết đây là bọn Tế – tác dò thám, ông bảo Trần Dương Đức:

– Giết chúng nó, đoạt ngựa, quần áo.

Dương Đức phi ngựa tới trước. Hai Hán quân quát lớn:

– Dừng ngựa!

Miệng nói tay múa đao chém về phía trước. Dương Đức rút kiếm khoa ngang, hai thanh đao của chúng bay tung lên trời. Chúng còn đang ngơ ngác thì đầu đã rơi xuống đất. Hai tên Việt đứng cạnh sợ quá há hốc mồm ra, chưa kịp trở tay, đã bị Đào Hầu đánh hai chưởng văng xuống đất dãy mấy cái, rồi nằm im.

Hai thầy trò lột quần áo của hai tên Hán, khám trong người thấy có thẻ bài chứng nhận chúng làm việc tại phủ Tế Tác cấp bậc là ngũ trưởng.

Hai người hướng phủ Thái Thú phi như bay.

Tại Đào trang, khi Đào Hầu với Trần Dương Đức đi khỏi, thì gia đình của đám đệ tử đã lên xe, đồ đạc lênh kênh một đoàn hướng bờ biển tiến phát.

Đào Kỳ tìm không thấy nhị sư huynh, nói với Thiều Hoa:

– Sư tỷ đi trước, em với 20 tráng đinh ở lại đợi nhị sư huynh.

Thiều Hoa chia cho Đào Kỳ 20 tráng đinh rồi lên đường. Đào Kỳ thấy bố mẹ, sư huynh, sư tỷ đã đi hết, tự nhiên nó cảm thấy mình là người lớn nhất, dẫn đám gia đinh canh cửa trang.

Nhưng nó chờ đến canh ba, mà vẫn không thấy nhị sư huynh đâu. Lòng đầy lo sợ, nó tự nghĩ:

– Dù gì ta cũng phải chờ nhị sư huynh và gia đình để cùng đi.

Hốt nhiên có tiếng vó ngựa lộp cộp đi lại. Nó nhảy xuống đất ghé tai nghe và đếm:

– Một... hai... ba... mười. Trời ơi, 10 kỵ mã tới, đúng là quân Hán rồi đây.

Nó vẫy tay cho tráng đinh phục trong trang, rồi nhìn ra: Phía trước quả có 10 kỵ binh đang đi tới. Hai người đi đầu là Mã Dũng và Triệu Thanh mà nó đã đánh nhau hồi chiều. Nó cười khỉnh:

– Chắc hai thằng này vào nhà tù kiếm cha con ta không thấy, nên dẫn kỵ binh đi tìm đây. Đã vậy tao cho chúng mày nếm mùi đau khổ.

Nó thò tay ra sau rút tên nạp vào cung, nhắm con ngựa Mã Dũng cưỡi buông tên. Vèo một tiếng, con ngựa bị trúng tên, đau quá nhảy dựng hai vó trước lên rồi ngã lăn ra. Mã Dũng vội thúc chân vào bàn đạp, vọt người lên đứng xuống đất chửi đổng:

– Đứa nào bắn lén? Nếu là anh hùng thì xuất hiện cùng ta đấu 100 hiệp.

Đào Kỳ cười ha hả, từ trong cổng bước ra chỉ vào mặt Mã Dũng:

– Hồi chiều, chúng mày được tao tha chết, lạy như lạy ông nội. Thế mà không biết điều, về dẫn lính ra phục kích. Chúng mày bắt được tao mà sao ngu quá, không giữ được, để tao thoát thân?

Triệu Thanh vẫy tay, tám kỵ binh vây Đào Kỳ vào giữa. Đào Kỳ không sợ hãi:

– Mày có giỏi thì xuống ngựa, một chơi một, chứ dùng đông người đánh mình tao đâu phải anh hùng?

Triệu Thanh không để lời nói Đào Kỳ vào tai, cùng đám kỵ binh múa đao tấn công. Đào Kỳ rút kiếm nhắm đỉnh đầu Triệu Thành xả một nhát. Triệu Thanh đưa đao đỡ. Đao kiếm sắp chạm nhau, thì lưỡi kiếm Đào Kỳ bỗng đổi chiêu biến thành vòng cầu chém vào hông y. Triệu Thanh kinh hoàng, lộn người xuống đất tránh thế kiếm hiểm ác đó, thì thanh kiếm của Đào Kỳ chém xuống trúng giữa đầu con ngựa của y. Con ngựa đau quá, hí lên một tiếng thê thảm rồi đâm bổ về phía trước. Vòng vây mở rộng, Đào Kỳ chạy vào rừng cạnh đó. Triệu Thanh, Mã Dũng cùng ôm đao đuổi theo. Đào Kỳ vấp vào hòn đá, ngã lăn xuống đất. Triệu Thanh thích quá, nhảy lại gần dí đao vào cổ Đào Kỳ quát lớn:

– Này hết sống nhé!

Thực ra Đào Kỳ giả bộ vấp té, chờ khi Triệu Thanh đến gần, dí đao vào cổ, nó bật người dậy, vọt lên cao như con cá, cỡi trên mình ngựa, thuận tay rút kiếm đâm về sau một chiêu, kết thúc tính mệnh một tên kỵ binh đang đánh tập hậu nó.

Mã Dũng, Triệu Thanh xuất thân là kỵ binh, quen đánh trên mình ngựa, bây giờ mất ngựa, chân tay trở thành luống cuống. Đào Kỳ phi ngựa chạy vào trang. Đám kỵ binh hô lên một tiếng đuổi theo, khi chúng vừa vào đến cổng thì huỵch, huỵch, huỵch, ngựa vấp dây chăng ngã lăn, hất đám kỵ binh xuống đất. Đám tráng đinh từ chỗ núp nhảy giết hết đám kỵ binh, rồi cắt đầu treo lên cổng trang.

Đào Kỳ đang hứng chí, thì thấy lửa bốc lên ngập trời tại phía phủ Thái Thú. Nó biết cha và anh đánh chiếm cảng Bắc, vội cùng đám gia nhân lên ngựa chạy ra bờ biển, thì cuộc di tản bằng thuyền gần hoàn tất.

Đào phu nhân bảo Nghi Sơn:

– Mọi việc đến đây là yên rồi. Hiện các đội kỵ binh của Cửu Chân đóng ở phía Nam 50 dặm. Chúng có điều động đến cứu ứng thì cũng phải tới sáng. Ta chỉ lo đội kỵ binh Giao Chỉ đóng cách đây không xa. Chúng thấy phủ Thái Thú bị tấn công, tất kéo tới cứu viện. Vậy con dẫn huynh đệ, tráng đinh, phục trên đồi An Tuy, để đề phòng. Nếu thấy kỵ binh Giao Chỉ tới thì dùng tên bắn, và đốt lửa làm nghi binh. Con cố ý chần chờ hầu bố con có thì giờ cướp chiến thuyền.

Hoàng Thiều Hoa nói với Đào phu nhân:

– Sư mẫu, việc bảo vệ gia đình là hệ trọng. Con với tiểu sư đệ đi chặn giặc cũng đủ rồi. Đại sư ca trí dũng hơn đời, cần ở đây giúp sư mẫu.

Đào phu nhân thấy lời Thiều Hoa đúng, bà bảo Đào Kỳ:

– Sư tỷ võ công cao, nhưng ứng biến không bằng con. Vậy mọi chuyện nhất thiết con lo ứng phó, nhưng phải nghe lời sư tỷ.

Đào Kỳ thấy mẹ coi trọng mình nó thích lắm. Nó nhảy vọt lên ngựa, cùng Thiều Hoa hướng về An Tuy. Nó kiếm chỗ cho huynh đệ, tráng đinh mai phục. Nó lại chỉ huy tráng đinh khuân đá chất lên cao, khi cần sẽ vần đá xuống cản giặc.

Công việc hoàn tất mau chóng, Đào Kỳ đến ngồi bên sư tỷ Hoàng Thiều Hoa. Các đệ tử Đào trang, nam có, nữ có, nhưng Đào Kỳ sủng ái nhất là tam sư tỷ. Bản tính Thiều Hoa ôn nhu văn nhã, học văn võ đều thành đạt, được cả sư phụ, sư mẫu thương yêu. Nàng nói gì Đào Hầu cũng nghe, xin gì cũng cho. Mỗi khi Đào Kỳ nghịch ngợm, phá phách, nó bị cha la rầy, thì Thiều Hoa lại năn nỉ dùm. Riết rồi chị em thành thân mật. Hôm nay biến cố trọng đại xảy ra, nhà tan cửa nát. Bố mẹ, các anh, các sư huynh lăn mình vào chốn nguy hiểm, nó lại được ngồi bên cạnh sư tỷ chờ giặc.

Đào Kỳ nói sẽ vào tai Thiều Hoa:

– Em chỉ mong bây giờ có một tên tướng Hán đẹp trai, hào hoa phong nhã tới đây, chúng mình khỏi cần đánh, chị chỉ việc liếc mắt một cái, nó cũng té lăn xuống đất rồi. Như vậy khỏi phải đổ máu.

Thiều Hoa lấy tay sẽ cốc vào đầu Đào Kỳ một cái:

– Đến lúc này mà em cũng đùa được ư?

Với bản lĩnh của Đào Kỳ thì nó tránh cái cốc của Hoàng Thiều Hoa dễ dàng. Nhưng nó cứ để cho sư tỷ cốc, nó tiếp:

– Tại sao sư tỷ cốc em? Binh thư nói rằng "Không đánh mà thắng, không tổn nhân mạng mà thắng, không tổn lương tiền mà thắng thì là đại tướng giỏi". Nếu sư tỷ gặp tướng Hán, đưa mắt một cái cho nó hồn phiêu phách tán, thì sư tỷ đã trở thành đại tướng Lĩnh Nam rồi.

Thiều Hoa định nói thì Đào Kỳ bịt miệng nàng lại, ghé miệng vào tai "suỵt" một tiếng. Thiều Hoa lắng tai nghe, quả có nhiều tiếng lộp cộp như tiếng ngựa phi. Tiếng lộp cộp mỗi lúc một gần. Đào Kỳ ghé tai xuống đất nghe rồi đếm: một... hai... ba..., ôi nhiều lắm, cả 100 ngựa đang tiến đến chỗ nó ẩn.

Một lát sau, đoàn người ngựa đi tới, đuốc đốt sáng lòa. Đào Kỳ đợi cho đoàn người ngựa tới gần, mới phất tay ra hiệu. Tráng đinh bắn tên lửa vùn vụt về phía trước. Cỏ rừng bốc cháy ngùn ngụt. Đội quân đang đi, ngừng lại, dàn ra chờ. Viên tướng chỉ huy gò ngựa quan sát một lúc, không thấy động tĩnh gì, y phất tay cho quân tiến lên. Vừa lúc đó, một mũi tên xé gió bay tới. Y lạng người bắt lấy. Tuy bắt được tên, nhưng y cảm thấy cánh tay tê buốt. Biết người bắn không phải thứ binh lính tầm thường mà là một cao thủ có nội lực, tiếng tên mới rít lên như vậy. Y cầm mũi tên lên coi, thấy chuôi tên khắc một bông cúc, nét chạm trổ hoa mỹ. Y lớn tiếng hỏi:

– Cao nhân nào xin xuất hiện để tương kiến.

Nhưng không có tiếng trả lời. Vèo, một mũi tên khác xé gió bay tới, rồi hai, rồi ba, rồi bốn mũi nối đuôi nhau. Y tung người khỏi yên ngựa, ba mũi tên bay sát qua dưới chân y. Một mũi trúng giữa trán con ngựa. Con ngựa đau quá hí lên một tiếng, rồi ngã lăn ra đất giãy đành đạch. Viên tướng Hán kinh hoàng nghĩ:

– Người bắn tên dường như không có ý hại mình, nếu không thì vừa rồi, lúc mình còn ở trên không y bắn mấy mũi nữa thì mình chết rồi.

Phía sau có tiếng người rú lên, tiếng người ngã ngựa, tiếng người la hoảng. Y nhìn lại, thì ra ba mũi tên không trúng người y, bay ra sau trúng vào ba kỵ mã. Kỳ lạ ở chỗ ba kỵ mã đều bị trúng giữa cổ, chết ngay lập tức.

Y toát mồ hôi nghĩ:

– Người bắn tên này tiễn thủ không phải tầm thường. Nội lực không kém gì mình. Rõ ràng y không muốn sát hại mình, chứ không thì mình đã chết rồi.

Y nhảy xuống đất, nhổ tên ra coi, thì thấy ba mũi tên bắn chết kỵ mã phía sau trên chuôi đều khắc bông hoa cúc. Mũi tên bắn trúng ngựa của y thì trên có khắc bông hoa đào, tô son đỏ chói. Y cầm mũi tên để đoán tung tích kẻ bắn, thì thấy bốn mũi tên khắc bông cúc, toả ra mùi thơm thoang thoảng, làm y cảm thấy say say:

– Chắc người bắn tên này là một giai nhân? Nếu không sao lại có mùi thơm nhẹ nhàng thoảng qua?

Quả đúng như vậy, người bắn mũi tên vào người y đầu tiên là Thiều Hoa. Mũi tên bắn trúng ngựa y là của Đào Kỳ. Biểu hiệu của Thiều Hoa là bông cúc, nên trên kiếm cũng như trên mũi tên đều khắc bông cúc. Còn Đào Kỳ thì lấy biểu hiệu chung của cha, anh trên tên khắc bông đào.

Viên tướng chỉ huy đội quân quát lớn:

– Ta là Nghiêm Sơn, xuất thân nghĩa hiệp. Trọn đời kính trọng những anh hùng hảo hán. Vậy cao nhân nào đó xin xuất hiện để được tương kiến.

Vèo, vèo, vèo, một bóng mặc áo vàng đã nhảy đến trước mặt Nghiêm Sơn. Y định thần nhìn kỹ thì là một nữ lang tuyệt thế. Y chưa kịp phản ứng, thì thấp thoáng một cái nữ lang đã rút kiếm đâm y. Động tác, nhảy, đứng, rút kiếm đâm, thần tốc vô song. Y trầm người tránh, đưa đao đỡ. Đao kiếm chạm nhau toé lửa. Cả hai cùng lùi lại. Hổ khẩu y cảm thấy tê chồn. Nữ lang đã tra gươm vào vỏ, khoanh tay đứng nhìn y:

– Tiểu nữ họ Hoàng, tên Thiều Hoa xin kính chào Nghiêm tướng quân.

Nghiêm Sơn tuổi còn trẻ, khoảng 25-26, rất anh tuấn, võ công thuộc loại cao thủ vùng Quế Lâm. Chàng hiện là Bình Nam Đại tướng quân, tước Lĩnh Nam công, uy quyền bao trùm toàn Lĩnh Nam như một ông vua con. Nghiêm Sơn tự hào là anh hùng vô địch, từ khi sang Giao Chỉ đến giờ, chưa một người Hán, người Việt nào địch nổi y. Không ngờ trong đêm nay chàng gặp một thiếu nữ Việt tuyệt sắc, bắn mấy mũi tên, mà một mũi làm chàng suýt bỏ mạng. Cảm phục vì tài, trọng vì sắc, chàng hướng vào Thiều Hoa đáp lễ:

– Thì ra Hoàng cô nương. Không biết cô nương đối với Đào Lạc Hầu là thế nào?

Thiều Hoa đáp:

– Đào tiên sinh là minh sư của tiểu nữ.

Nghiêm Sơn reo lên:

– Người xưa nói "Hữu minh sư, tất hữu cao đồ". Nghiêm mỗ nghe danh lão tiên sinh từ lâu, mà chưa có dịp tương kiến. Không ngờ đêm nay lại gặp cao đồ của người. Tại hạ với Đào Lạc hầu tuy chưa có duyên gặp gỡ mà lòng đầy kính phục. Chúng ta vốn không thù không oán, tại sao cô nương lại đón đường, bắn tại hạ mấy mũi tên suýt bỏ mạng?

Thiều Hoa không phải là người cơ trí như Đào Kỳ, nên đáp:

– Đào trang lập lên đã bảy đời, truyền 184 năm, lúc nào cũng an phận làm ăn, thuế sưu nộp đủ, không hiểu có tội gì, mà Lĩnh Nam Công lại họp những 15.000 quân, viện thêm một sư kỵ ở Giao Chỉ vào để đánh phá? Tướng quân tự xưng là người anh hùng nghĩa hiệp xin giải thích cho.

Nghiêm Sơn nghe Hoàng Thiều Hoa nói, chàng chau mày, quay lại nhìn Nhâm Diên. Ánh mắt của chàng toát ra làn hàn quang cực mạnh, đầy vẻ nghiêm khắc.

Nguyên Nhâm Diên xuất thân là người đọc sách, được cử sang làm Thái Thú Cửu Chân từ thời Tây Hán. Khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, thì y theo Vương Mãng. Kịp đến thời Quang Vũ trùng hưng, cử Nghiêm Sơn cùng Hợp phố lục hiệp kinh lý vùng Lĩnh Nam, thì y lại theo về nhà Hán. Thời gian làm Thái Thú, y đã tổ chức Cửu Chân trở thành một giang sơn riêng. Tuy mới thần phục Quang Vũ, nhưng y vẫn có ý muốn tự lập như Triệu Đà ngày trước. Y dùng văn hoá Trung Nguyên làm cho năm Lạc Hầu Cửu Chân theo y, hai Lạc Hầu khác bỏ mộng phản Hán phục Việt, đi vào đường văn hoá. Chỉ còn lại Đào Hầu, Đinh Hầu là vẫn giữ nếp xưa, nuôi ý chí phục quốc.

Bề ngoài y thần phục Nghiêm Sơn, vì chàng được phong tới tước Công, chức Bình Nam Đại tướng quân, nhưng y vẫn muốn gây cho dân chúng chống đối chàng, hầu y có thể lật đổ chàng bất cứ lúc nào. Nhân Đào, Đinh trang chống y, y sai một số người Việt làm việc cho Tế Tác, phải làm phúc trình rằng Đào, Đinh trang là nơi tụ tập của bọn đầu trộm, đuôi cướp, dân chúng bị hành hạ cực khổ. Y xin Lĩnh Nam Công đem quân diệt hai trang Đào, Đinh, nhờ đó y nhổ được hai cái đinh trước mắt. Mặt khác y sẽ nói với võ lâm Lĩnh Nam rằng Nghiêm Sơn là người độc ác, đánh phá hai trang Đào, Đinh. Như vậy là một mũi tên, y bắn được hai con chim.

Nghiêm Sơn ở xa mới đến, không nắm vững tình hình. Nghe Đào, Đinh trang là nơi tụ tập của trộm cướp, chàng điều động thiết kỵ từ Giao Chỉ, Nhật Nam vào để tiêu diệt. Chàng tới đây đã hai ngày, tiếp xúc với dân chúng không là bao, nhưng chàng cũng được nghe loáng thoáng rằng Đào, Đinh nổi danh là Cửu Chân song kiệt. Vì vậy chàng bắt đầu nghi ngờ. Bây giờ đối trận với Hoàng Thiều Hoa, chàng thấy ở nàng toả ra vẻ ôn nhu văn nhã. Với tuổi 17-18, mà võ công không kém gì chàng, tiễn thủ kinh người. Nếu nàng định giết chàng, thì chàng đã chết rồi. Võ đạo như thế, thì e rằng đến phái Quế Lâm nhà chàng chưa chắc đã đạt tới được, thì làm sao sư phụ nàng là Đào Hầu có thể là trộm cướp như Nhâm Diên nói? Vì vậy chàng đưa con mắt nghiêm khắc nhìn Nhâm, y rùng mình. Nhâm Diên đã từ sau tiến lên. Y chắp tay hành lễ với Thiều Hoa:

– Làm gì có chuyện đó? Không biết đứa nào bịa chuyện nói láo như thế phải đem mà giết đi? Bản chức lúc nào cũng kính trọng Đào Hầu, thì làm sao có thể mang quân đánh người?

Thiều Hoa thấy Nhâm Diên vẫn còn dùng bản mặt giả đạo đức, nàng bực mình quát lên:

– Nhâm Diên, ngươi còn chối ư? Sư phụ, sư thúc ta từ lâu không phục hành động giả nhân, giả nghĩa, nguỵ quân tử của mi. Vì vậy mi muốn diệt trừ Đào, Đinh trang. Với bản bộ quân mã, mi thừa sức diệt hai trang, tại sao mi còn cầu viện thiết kỵ từ Giao Chỉ đến? Sư phụ ta đã biết rõ lòng dạ mi: Mi mang quân bất nhân đi đánh người nhân, sợ bị mang thiên hạ nguyền rủa, mi muốn đổ tiếng ác cho người khác. Hồi chiều mi họp với Lĩnh Nam công, định rằng ngày mai mời sư phụ, sư thúc ta tới phủ Thái Thú, cầm chân lại, giết đi, rồi mang quân đánh hai trang. Sư phụ ta đã biết trước, nên tiên hạ thủ vi cường. Người đã cùng các sư huynh, sư đệ, đột nhập phủ Thái Thú để giết mẹ, vợ, con mi, đến con chó, con mèo cũng không tha.

Nhâm Diên vẫn chối:

– Ai đã báo tin thất thiệt cho Đào Hầu, xin cô nương cho bản chức được biết, để trị tội.

Thiều Hoa biết Nhâm Diên là loại người xảo quyệt. Nhưng nàng không phải là người cơ trí, chưa biết trả lời sao để lột mặt nạ y. Thình lình ba mũi tên xé gió bay đến, hai hướng ngực, đầâu Nghiêm Sơn. Một hướng cổ Thái Thú Nhâm Diên. Kình lực khá mạnh. Nghiêm Sơn rút đao gạt được cả hai. Còn Nhâm Diên, y là quan văn, nên không biết tránh. Nghiêm Sơn nhún mình vọt qua ngựa Nhâm Diên, đẩy y lăn xuống đất, còn tay chàng bắt mũi tên. Nhâm Diên thoát chết, y phát run:

– Đứa nào hỗn láo, giết... giết.

Y ra hiệu cho thiết kỵ tiến lên vây Thiều Hoa vào giữa.

Thiều Hoa cười:

– Nghiêm tướng quân, anh hùng vô địch Quế Lâm, mà dùng đại quân để đối phó với một cô gái Việt sao đây?

Nghiêm Sơn biết phía sau Thiều Hoa còn nhiều người mai phục, nên mới có tên bắn ra. Chàng không biết là bao nhiêu người. Bản tính quật cường, chàng vẫy quân lui lại, một mình tiến lên.

Nhâm Diên nói nhỏ với chàng:

– Xin tướng quân đừng chần chờ, giải quyết mau vì phủ Thái Thú đang lâm nguy.

Nghiêm Sơn là Lĩnh Nam Công, uy quyền như một ông vua con, chàng không ưa bọn Thái Thú Nhâm Diên, Tích Quang. Bây giờ giữa trận tiền, nghe y thôi thúc, chàng cau mày bực mình, nhưng địa vị chàng là người lớn, nên không muốn quát mắng y ở chỗ đông người.

Nghiêm Sơn thản nhiên hỏi Thiều Hoa:

– Xin cô nương tránh đường cho tiểu tướng đi. Sau đây mấy ngày, tiểu tướng sẽ đến Đào trang bái kiến Đào lão tiên sinh và cô nương.

Bỗng có tiếng quát:

– Khoan!

Đào Kỳ từ bụi cây vọt người ra, nó nhảy nhót mấy cái đã tới trước ngựa Nghiêm Sơn:

– Nghiêm tướng quân, tam sư tỷ của tôi đây vốn kính phục những anh hùng nghĩa hiệp. Nhưng tiếc rằng chưa gặp người nào vượt qua được bảo kiếm của người. Vậy hôm nay tướng quân cũng nên cho dân Cửu Chân được biết qua về võ Trung Nguyên.

Câu nói này, Đào Kỳ vừa có ý khích Nghiêm Sơn, vừa ngụ ý: Sư tỷ tôi là tuyệt thế giai nhân, võ công cao, người chỉ khuất phục đấng anh hùng, võ công cái thế. Nếu tướng quân muốn lọt vào mắt xanh, thì phải thắng được sư tỷ của tôi đã.

Nghiêm Sơn hỏi:

– Chú em, phải chú em là Đào Kỳ không? Ta mới tới đây đã nghe danh chú. Một chiêu đánh ngã lữ trưởng Mã Dũng, hai chiêu đánh ngã lữ phó Triệu Thanh, thực tài không đợi tuổi.

Đào Kỳ chắp tay đáp lễ:

– Tiểu đệ không dám.

Nhâm Diên thấy ba mũi tên lửa màu tím bắn lên từ phủ Thái Thú. Đó là tín hiệu cầu cứu. Một lát lại thấy hai mũi tên bắn lên từ cảng thuỷ quân, có lẽ cảng cũng nguy rồi. Lòng y như lửa đốt, nhưng Nghiêm Sơn cứ như ngây dại trước sắc đẹp Thiều Hoa. Nếu Nghiêm Sơn không là thượng cấp của y thì y đã nổi quạu rồi. Y nghĩ đến mẹ già, vợ, con, không biết những gì sẽ xảy ra nếu phủ Thái Thú bị Đào trang đánh chiếm. Y nói với Nghiêm Sơn:

– Đại tướng quân! Phủ Thái Thú và cảng thuỷ quân nguy cấp. Xin Đại tướng quân ra tay gấp cho.

Đào Kỳ biết rõ ý Nhâm Diên, xen vào chia rẽ:

– Nghiêm tướng quân! Tam sư tỷ tôi chưa bao giờ gặp được người anh tuấn, võ công cái thế như tướng quân, tôi tưởng hai vị nên nhân đêm thu đẹp như thế này, trao đổi câu thơ, luận kiếm, hơn là chém giết nhau. Tướng quân đường đường tước phong tới Lĩnh Nam Công, sao lại để cho một tên Thái Thú dưới quyền, văn dốt, vũ rát thôi thúc?

Câu nói này đánh trúng tâm sự Nghiêm Sơn. Chàng khoan thai bước xuống ngựa hướng về Hoàng Thiều Hoa nghiêng mình hành lễ:

– Xin được cô nương dạy bảo.

Thiều Hoa rút kiếm tung lên không, rồi thu tay lại hành lễ. Đó là luật lệ của phái Cửu Chân. Nghiêm Sơn cũng vội đáp lễ. Thiều Hoa vọt người lên cao, ánh kiếm bạc tà tà đâm vào cổ Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn đưa tay bắt kiếm. Hoàng Thiều Hoa kinh hãi nghĩ:

– Thế kiếm của ta như vậy mà y dám dơ tay bắt, thì quả là gan cùng mình.

Chiêu kiếm đâm thẳng bỗng thu trở về rồi vòng lên đâm vào vai trái. Nghiêm Sơn nhảy lui lại phía sau hai bước. Thiều Hoa đã đáp xuống đất.

Nghiêm Sơn thấy Thiều Hoa vọt lên cao đánh mình hai chiêu, thân pháp đẹp không tưởng tượng được. Chàng đứng ngây người ra nhìn.

Nhâm Diên nhìn về phủ Thái Thú, thấy lửa bốc cháy ngụt trời, thì lòng nóng như lửa đốt.

Nhâm Diên vẫy tay xua quân xông vào.

Đào Kỳ vọt về phía Nhâm Diên, khi còn lơ lửng trên không, thuận tay nó rút kiếm, đánh liền ba chiêu hiểm ác.

Nghiêm Sơn đang biểu diễn kiếm với Hoàng Thiều Hoa, thấy Thái Thú Nhâm Diên lâm nguy, chàng vội lạng người đi đỡ kiếm của Đào Kỳ.

Choảng một tiếng, kiếm của Đào Kỳ bay mất, tay rách hổ khâu, máu chảy đầm đìa.

Đào Kỳ ôm tay nhăn mặt:

– Oái! Nghiêm đại ca, ngươi ỷ lớn bắt nạt nhỏ. Như vậy không phải là anh hùng.

Bản lĩnh kiếm thuật của Đào Kỳ đã luyện tới mức khá, nhưng sở dĩ y thất bại vì nguyên tắc võ thuật của Lĩnh Nam là dùng mau thắng chậm, dùng động chế tĩnh. Đây Đào Kỳ còn nhỏ tuổi, công lực chưa đủ, lại dùng sức mạnh đánh ra, gặp phải Nghiêm Sơn là người công lực thâm hậu, vì vậy nó bị bay mất kiếm.

Nghiêm Sơn cứu được Nhâm Diên, đánh rơi kiếm của Đào Kỳ nhưng y không vui. Vì Đào Kỳ vừa mồm năm miệng mười như cố ý nói rằng: Ngoài Sơn ra không ai xứng đáng làm anh rể nó. Thế mà chàng đánh rơi kiếm của nó, lại làm nó bị thương.

Nghiêm Sơn hơi hối hận:

– Tiểu sư đệ! Có sao không?

Đào Kỳ làm bộ ôm tay nhăn nhó:

– Mới rách tay, chảy máu, cả cánh tay tê liệt thôi, chứ chưa chết.

Nó nhìn về phía phủ Thái Thú, cảng thủy quân thấy lửa cháy rực trời, nó biết rằng bố với các sư huynh đã thành công. Nó quay lại Thiều Hoa gọi:

– Sư tỷ, chúng ta đi thôi, lúc khác sẽ có dịp luyện kiếm với Nghiêm tướng quân. Hôm nay nể Nghiêm tướng quân, chúng tôi mở đường cho Nhâm Diên đi.

Lực lượng Đào Kỳ chỉ có non 100 người, mà quân của Nhâm Diên tới hơn 1.000, rõ ràng nó đang lâm nguy, nhưng nó làm như nể Nghiêm Sơn, mở đường cho y đi. Kể ra Nghiêm Sơn chỉ cần phất tay, trong chốc lát là chị em Đào Kỳ lâm nguy. Một mặt chàng muốn về cứu phủ Thái– thú, một mặt chàng không muốn gây thù hận với Thiều Hoa. Chàng hướng vào Thiều Hoa hành lễ:

– Hoàng cô nương, hẹn ngày tái ngộ.

Đào Kỳ gọi lớn:

– Khoan!

Y nhảy lại bên Thiều Hoa, phát một chiêu trên mái tóc sư tỷ, rút lấy cành hoa đào bằng vàng. Nó nói với Nghiêm Sơn:

– Nghiêm đại ca, em tặng anh món này, bắt lấy.

Nó phóng cành hoa đào đến trước mặt Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn bắt lấy mà mặt nóng bừng lên, nhưng chàng không quên liếc Thiều Hoa một lần rồi mới đi.

Đội quân Hán đi rồi, Thiều Hoa dơ tay tát Đào Kỳ một cái. Đào Kỳ cười ha hả tránh khỏi:

– Oái! Trời ơi, đất ơi! Sư tỷ đánh ông mai à?

Thiều Hoa dậm chân nói:

– Sư đệ, ta mách với sư phụ đánh cho ngươi 100 roi về tội này.

Đào Kỳ nghiêm nét mặt lại:

– Sư tỷ, chị không hiểu được ý em ư?

– Hiểu gì?

– Thôi được rồi, đợi gặp bố, mẹ, đại sư ca em sẽ nói. Bây giờ chúng ta đến cảng Bắc để lên đường.

Đoàn người tiến ra phía bờ bể, men theo lên phía Bắc, nhưng tới cảng Bắc thì thấy xác quân Hán nằm la liệt, gươm đao, vũ khí rãi rác trên mặt đất, doanh trại cháy thành than đỏ rực. Thiều Hoa nhặt một thanh đao gẫy lên coi:

– Này tiểu sư đệ, đao này của Đinh gia.

– Như vậy bố, mẹ đã cứu được cậu rồi, chúng ta biết chắc bố, mẹ, cậu, đoàn thuyền đại sư ca, đoàn của anh cả, anh hai đều lên đường ra Bắc. Vậy chỉ còn đoàn của chúng ta mắc kẹt. Còn nhị sư ca hiện ra sao? Việc trước mắt là quan quân truy nã chúng ta rất gắt, chúng ta cần theo bờ biển đi về phía Bắc, để tìm thuyền lên đường.

Có tiếng rên từ trong bụi rậm vọng ra, Hoàng Thiều Hoa chạy lại xem. Nàng la lớn lên:

– Nhị sư ca! Nhị sư ca!

Đào Kỳ cùng mọi người chạy lại, thì thấy nhị sư ca Trịnh Quang mình đầy thương tích đang nằm đó rên.

Thiều Hoa xé vạt áo băng bó cho sư huynh. Trịnh Quang chỉ còn thoi thóp thở, không nói được gì, chân tay cũng không cử động được.

Đào Kỳ tự nghĩ:

– Chắc nhị sư huynh đón gia đình đi cùng với bố, mẹ trong cuộc chiến đấu bị thương, lạc tại rừng này.

Một nữ đệ tử ngoại đồ tên Nguyễn Tường Loan, lắc đầu, chau mày, tỏ ý nghi ngờ.

Đào Kỳ hỏi Tường Loan:

– Không biết sư tỷ có cao kiến gì?

Tường Loan kéo Kỳ ra một chỗ nói:

– Có nhiều điều hơi khác lạ. Võ công nhị sư huynh rất cao, nếu bị thương thì phải do vũ khí hoặc quyền, chưởng của cao thủ mới làm sư huynh mê man đến nằm ngất đi. Đây sư huynh không có những vết thương trí mạng bằng vũ khí, mà chỉ có những vết thương bằng quyền cước ngoài da, mà đến nỗi nói không ra lời, đó là điều lạ lùng. Nhị sư huynh về đón gia đình cùng đi với tên mã phu Nguyễn Ngọc Danh, vậy gia đình đâu? Danh đâu?

Đào Kỳ bảo Tường Loan:

– Đợi gặp sư phụ, sư mẫu rồi tính. Hoặc đợi vài ngày nhị sư huynh tỉnh dậy sẽ nói cho chúng ta biết. Bây giờ đi kiếm thuyền đã.

Một gia nhân nói:

– Vấn đề tìm thuyền cho 100 người cũng không khó, khó là gạo, nước, lương thực từ đây ra Bắc. Bây giờ đang mùa mưa Ngâu, sóng biển rất lớn, nhất là cửa Thần Phù dễ gì vượt qua nổi?

Đối với vấn đề địa lý thì Đào Kỳ mù tịt, nó không hiểu cửa Thần Phù là gì. Nó hỏi người gia nhân:

– Cửa Thần Phù là gì?

Người đó nói:

– Quê đệ ở cửa Thần Phù nên biết rõ. Ở đó có mấy con sông đổ qua, quanh năm gió thổi, nước xoáy thành tròn. Một con thuyền đinh to lớn, đi qua, xoáy cuốn một cái, thuyền quay tròn, bị lôi chìm xuống đáy. Bởi vậy có câu ca:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Câu này có nghĩa rằng qua cửa Thần Phù chỉ người nào phúc đức mới sống được mà thôi.

Nguyên Đào gia trang thu nhận đệ tử có hai loại: Bắt đầu tất cả đều là ngoại đồ, học võ, học văn giống nhau. Nhưng những người có năng khiếu, ngộ tính cao thì được thu nhận làm nội đồ. Ngoại đồ thì xếp hạng theo tuổi mà gọi nhau. Còn nội đồ thì xếp hạng ai nhập môn trước là sư huynh. Đào Hầu có ba con trai, không xếp theo thứ tự đệ tử, mà xếp tuổi. Bởi vậy Đào Kỳ luôn luôn là tiểu sư đệ. Còn gia nhân trong nhà, cũng đều được đối xử và xưng hô như đệ tử.

Đoàn người đi đến sáng thì tới một cửa sông nhỏ. Thuyền đánh cá đêm đã trở về đầy bến. Hoàng Thiều Hoa bàn:

– Bây giờ chúng ta lên bến kia mua thuyền, gạo, nước rồi lên đường.

Đào Kỳ ngửa tay:

– Sư tỷ cho tiền.

Luật lệ Đào gia trang không cho những đệ tử, con cái dưới 16 tuổi giữ tiền, nên trong người Đào Kỳ một đồng cũng không có. Bấy giờ tiền Cửu Chân sử dụng là tiền Hán, đúc bằng đồng, trên mỗi đồng tiền có niên hiệu của năm đúc. Những loại tiền thông dụng là Kiến Nguyên thông bảo, Chính Hoà thông bảo, Hồng Gia thông bảo, Nguyên Thủy thông bảo. Cứ một trăm đồng ăn một lượng bạc, và mười lượng bạc ăn một lượng vàng.
Ghi chú của thuật giả
Kiến Nguyên thông bảo, tiền đúc vào niên hiệu Kiến Nguyên thời Hán Vũ đế (140 – 135 trước Tây lịch).
Chính Hoà thông bảo, tiền đúc vào niên hiệu Chính– hoà đời Hán Vũ đế (92 – 88 trước Tây lịch).
Hồng Gia thông bảo, tiền đúc vào niên hiệu vua Thành đế nhà Hán (20 – 16 trước Tây lịch).
Nguyên Thủy thông bảo, tiền được đúc vào niên hiệu vua Bình đế nhà Hán (1 – 6 sau Tây lịch).
Thiều Hoa điều khiển cuộc di chuyển của gia đình, tiền bạc nàng đều giao cho người khác giữ. Trong người chỉ có một nén vàng 10 lượng và mấy trăm đồng tiền. Nàng móc ra đưa cho Kỳ:

– Em đi mua thuyền đi.

Dầu sao Đào Kỳ chỉ là đứa nhỏ, không thông thế tục, nó dụt tay lại:

– Sư tỷ đi mua đi, em đi theo. Chứ em có biết mua đâu.

Trong đám đệ tử đi theo Hoàng Thiều Hoa hầu hết là gái, có nhiều người thông thạo chợ búa. Một người bảo Đào Kỳ:

– Tiểu sư đệ, chị đi với em.

Người đó là Tường Loan. Loan võ không giỏi, nhưng tuổi đã trên 20, nguyên xuất thân là con nhà buôn, nên thạo thế tục. Đào Kỳ bảo Thiều Hoa:

– Sư tỷ, chị dẫn anh em vào khu vườn hoang kia ẩn náu. Đợi chúng em mua xong sẽ ra.

Loan dẫn Kỳ đến xóm chài. Dân xóm chài thấy hai người mặc quần áo sạch sẽ, lưng đeo bảo kiếm, thì biết là người hào kiệt. Đào Kỳ thấy ông lão khoảng 70 đang ngồi nhìn trời, mắt như mơ màng một chuyện gì.

Y tiến tới chắp tay hành lễ:

– Cháu kính chào bác.

Ông lão nhìn Loan, Kỳ, đầu đầy nghi vấn hỏi:

– Hai cháu chắc từ xa đến?

Đào Kỳ đáp thực:

– Chúng cháu từ phương Nam tới đây.

Ông lão gật đầu, chỉ vào trong nhà:

– Hai cháu đói lắm rồi, vào nhà kiếm tí xôi ăn đi.

Đào Kỳ thấy ông lão hiện ra vẻ thiện cảm, không do dự nó đi theo sau.

Ông lão chỉ xuống bếp:

– Cháu nhìn xem có gì lạ không?

Đào Kỳ liếc mắt nhìn, thấy trong bếp có khoảng bảy, tám người đàn bà đang nấu bảy, tám nồi cơm lớn. Một số người đang chặt những con cá khô thành miếng nhỏ.

Tường Loan hỏi ông cụ:

– Thưa cụ, chắc nhà sắp có việc làm đồng, hoặc làm rẫy lớn, nên chuẩn bị nấu cơm, nướng cá khô?

Ông cụ lắc đầu. Thình lình cây gậy của ông đánh vụt vào đầu Tường Loan. Nàng nhảy lùi lại tránh, nhưng cây gậy của ông lượn theo đánh vào ống chân bên trái. Tường Loan lộn đi một vòng tránh khỏi. Nhưng nàng vừa nhảy xuống đất thì cây gậy lại dí vào cổ nàng. Nàng định tránh, nhưng đã đến chân tường. Đành đứng im la lớn:

– Tiểu sư đệ, phát chiêu đi.

Nhưng Đào Kỳ ngồi im trên phản bốc xôi ăn, miệng cười toe toét. Tường Loan giận quá la lớn:

– Tiểu sư đệ, cứu ta với!

Đào Kỳ bốc xôi, bóc chuối ăn:

– Cụ cho em ăn xôi, chuối, và giảo nghiệm võ công sư tỷ, tại sao em phải cứu sư tỷ?

Ông cụ cười, thu gậy lại:

– Cô là ngoại đồ của Đào gia phải không? Còn cậu bé kia chắc là con út của Đào tiên sinh.

Tường Loan chắp tay vái:

– Cháu có mắt như mù, không biết cụ là bậc tiền bối.

Ông cụ cười vẻ tha thứ:

– Cô không tránh được ba chiêu trượng pháp của ta, thì ta biết cô là ngoại đồ. Còn cậu bé này, thấy ta ra chiêu mà biết ngay là ta đùa cợt, nhận ra võ công bản môn. Thế thì cháu phải là con cháu Đào gia mới đúng.

Đào Kỳ chắp tay hành lễ:

– Chúng cháu khép nép kính cẩn nghe cụ dạy bảo.

Ông lão vuốt râu cười:

– Ta là Phạm Bách, ngoại đồ đời trước của Đào trang, so vai vế, ta là sư huynh của sư phụ cháu.

Tường Loan, Đào Kỳ lạy thụp xuống đất hành lễ:

– Chúng cháu ra mắt Phạm sư bá. Kính chúc sư bá vạn thọ.

Ông cụ thở dài:

– Đêm qua ta thấy lửa cháy ở phương Nam, có tiếng trống trận, tiếng ngựa hí, ta biết rằng Thái Thú đã ra tay. Mà Thái Thú ra tay, thì không thể diệt Đào gia, Đinh gia thì làm gì đây? Ta biết dù Đào, Đinh có tài vũ dũng đến đâu, nhân số cũng chưa tới nghìn người, làm sao địch lại một vạn rưỡi quân của huyện Cửu Chân, lại thêm kỵ binh Giao Chỉ trên năm nghìn người do Thái Thú Giao Chỉ tăng viện tháng trước cho Nhâm Diên? Bởi vậy ta liệu thế nào người Đào, Đinh trang cũng chạy qua đây, nên nấu cơm, nướng cá khô sẵn để tiếp tế. Cuộc chiến ra sao, các cháu nói cho ta nghe.

Tường Loan tường thuật hết tự sự.

Phạm Bách thở dài:

– Từ lâu rồi, ta đã biết Thái Thú muốn tiêu diệt hết những hào kiệt Cửu Chân ta. Cái thế ta với Hán không thể cùng đứng. Ta không đánh họ, họ cũng diệt ta. Chi bằng đánh để chết cho thoả chí. Thế là quận Cửu Chân có bao nhiêu thế lực đều bị giết hết. Hán đế lo nhất là vùng Cửu Chân, Giao Chỉ, còn các vùng khác, y không quan tâm. Nay Cửu Chân, Đào, Đinh trang bị đánh thì đất Lĩnh Nam như rắn mất đầu, không ai dám nghĩ đến phản Hán phục Việt nữa.

Ông thở dài rồi nói tiếp:

– Giờ, ta đề nghị, các cháu chia ra toán năm người, toán bảy người, ngày mai làm dân tải muối đi bán đến vùng Lệ Hải ẩn thân. Còn ta với mấy cháu đi các nơi dọ xét xem sao đã. Các cháu nghĩ sao? Bởi hiện giờ họ Cao, dòng dõi Cao Nỗ xưa đang hùng cứ vùng núi Côi, chúng ta có thể tới đó nương nhờ.

Đào Kỳ thưa:

– Phạm sư bá đã dạy vậy, chúng cháu xin tuân lệnh.

Tường Loan dẫn mấy người nhà họ Phạm mang cơm vào rừng hoang cho anh em ăn, nói rõ chủ ý của Phạm Bách. Mọi người đều đồng ý.

Đêm đó mọi người ngủ trong hoang sơn. Đào Kỳ tuy võ công cao, kiến thức rộng, nhưng bản chất vẫn là đứa trẻ 13. Nó là con út, được bố mẹ cưng chiều, sống trong nhung lụa đã quen, bây giờ xảy ra biến cố, nhà tan, cửa nát. Bố mẹ, các anh không biết phiêu bạt nơi nào, lại phải nằm ngủ trong rừng. Nó ôm mặt thút thít khóc. Hoàng Thiều Hoa cũng tủi thân không ít, nhưng hiện trên trăm người, vừa sư huynh, vừa sư đệ, vừa tráng đinh, thì Trịnh Quang là sư huynh của nàng, có địa vị cao nhất, mà y bị thương mê man, vì vậy nàng phải điều động tất cả. Thấy Đào Kỳ khóc, nàng lại bên cạnh ôm nó vào lòng, lấy vạt áo lau nước mắt cho nó. Nàng dỗ một lúc nó mới chịu ngủ.

Sáng hôm sau mọi người thức giấc thì không thấy Tường Loan, vội đổ xô đi tìm, thì thấy xác nàng nằm dưới chân đèo, mình đầy thương tích, giống như trượt chân ngã. Thiều Hoa lại nắm tay xem mạch, thì Tường Loan chết rồi. Mọi người vào sinh ra tử, cả đoàn chỉ có mấy người bị thương, mà nay họ đã thoát khỏi hiểm nguy, tưởng được yên thân, thì Tường Loan bị trượt chân ngã mà chết. Các nữ đệ tử bưng mặt khóc thảm thiết.

Thiều Hoa ôm xác Tường Loan lại một hang đá, đặt vào trong đó, rồi sư huynh, đệ dùng đá lấp lại. Nàng lấy kiếm khắc mấy chữ ở cửa hang:

"Đào gia Nguyễn Tường Loan, tuẫn quốc tại chỗ này".